CÁC THỦ TỤC VỀ THUẾ CHO CÔNG TY MỚI THÀNH LẬP

Doanh nghiệp mới thành lập cần thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến nhiều lĩnh vực thuế khác nhau như lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể về các thủ tục thuế dành cho doanh nghiệp mới thành lập chi tiết như sau:

1. Lệ phí môn bài

Thuế môn bài hay còn được hiểu là lệ phí môn bài là một sắc thuế trực thu và thường là định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Đây là mức thuế doanh nghiệp phải nộp hàng năm cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp của doanh nghiệp.

Trừ một số trường hợp được miễn thuế môn bài thì mọi hộ kinh doanh, tổ chức, doanh nghiệp phải nộp thuế môn bài như một loại lệ phí để được tiếp tục kinh doanh và sản xuất.

Tuy người dân sử dụng thuật ngữ thuế môn bài như một loại thuế phổ biến và dễ hiểu nhưng trong văn bản pháp luật Nhà nước từ 01/01/2017 đã thay thuật ngữ “thuế môn bài” thành “lệ phí môn bài”.

2.Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu và được tính trên hàng hóa và dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông.

Với doanh nghiệp mới thành lập sẽ áp dụng thuế giá trị gia tăng trực tiếp trên doanh thu, còn một số trường hợp sẽ được phương pháp khấu trừ nếu thuộc các trường hợp dưới đây:

    • Với doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu hằng năm từ kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng khi đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
    • Doanh nghiệp thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
    • Doanh nghiệp thành lập có thực hiện việc đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản số định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.

Lưu ý: Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT không còn cần phải nộp mẫu  để đăng ký phương pháp tính thuế như cũ  mà sẽ căn cứ theo Hồ sơ khai thuế GTGT do doanh nghiệp gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:

– Với doanh nghiệp đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02  hoặc Mẫu số 05/GTGT đến cơ quan thuế.

– Với doanh nghiệp đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.

Kỳ khai thuế GTGT với doanh nghiệp mới thành lập theo quý trong vòng 12 tháng đầu mới hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo của quý phát sinh nghĩa vụ thuế. Ví dụ: Doanh nghiệp A mới thành lập tháng 1/2024 thì chậm nhất là ngày 30/4/2024 doanh nghiệp phải thực hiện hồ sơ khai thuế của quý 1 năm 2024

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào khoản thu nhập doanh nghiệp phải chịu thuế. Thuế TNDN bao gồm các khoản thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các loại thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

Thuế TNDN được tính trên phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là một nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước, giúp nhà nước có nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, giao thông, bảo vệ môi trường…

Thuế TNDN là công cụ để điều chỉnh sự phân bổ hiệu quả của các nguồn lực trong nền kinh tế, thúc đẩy hoặc ngăn chặn sự phát triển của một số ngành hàng hoặc một số loại hàng hoá. Đây cũng là công cụ để điều chỉnh, phân phối lại thu nhập xã hội, giúp giảm bớt khoảng cách giàu nghèo bằng cách áp dụng các loại thuế có tính chất tiến (thu nhập cao đóng góp tỷ lệ cao hơn) hoặc các loại miễn giảm thuế cho các đối tượng nộp thuế có thu nhập thấp hoặc gặp khó khăn.

4. Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, do đó, khoản thu này sẽ công bằng với mọi đối tượng trong, góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội.

Về hồ sơ khai thuế TNCN:

    • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo Mẫu số 05/KK-TNCN
    • Phụ lục bảng xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo mẫu số 05-1/PBT-KK-TNCN

5. Hồ sơ khai thuế ban đầu cho công ty mới thành lập

Hồ sơ khai thuế ban đầu là hồ sơ bắt buộc đối với các doanh nghiệp hiện nay, từ khi thành lập để khi giải thể, chính vì thế công việc khai thuế là việc thiết yếu mà mỗi doanh nghiệp cần thực hiện khi thành lập. Bất cứ doanh nghiệp nào không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế đều bị xử phạt theo đúng quy định pháp luật.

Với một doanh nghiệp mới thành lập thì cần thực hiện những giấy tờ sau để khai thuế ban đầu:

    1. Quyết định bổ nhiệm giám đốc;
    2. Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng;
    3. Bản đăng ký phương pháp khấu hao tài sản cố định;
    4. Tờ khai đăng ký hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn;
    5. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bản copy;
    6. CCCD/CMND/Hộ chiếu của người đại diện pháp luật công ty photo;
    7. Giấy đăng ký trao đổi thông tin doanh nghiệp;
    8. Giấy ủy quyền (Nếu doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân nộp hồ sơ).

Lưu ý: Doanh nghiệp cần làm 02 bản hồ sơ khai thuế ban đầu: 1 bản dùng để cơ quan thuế lưu, 1 bản để doanh nghiệp lưu nội bộ sau khi cơ quan thuế đóng dấu đã nhận hồ sơ đầy đủ.

Khi có đầy đủ giấy tờ cần thiết trên, doanh nghiệp mang hồ sơ ra nộp tại Chi cục Thuế quận hoặc huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp do Cục Thuế quản lý thì nộp hồ sơ tại Cục Thuế tỉnh hoặc thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Doanh nghiệp có thể tự kiểm tra cơ quan quản lý thuế của mình thông qua trang web của Tổng cục Thuế.

Chi cục Thuế sẽ giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp ngay trong ngày làm việc hoặc 2 – 3 ngày làm việc sau đó.

– Trước khi thực hiện việc nộp hồ sơ khai thuế ban đầu thì các doanh nghiệp cũng cần làm một số việc như sau:

    • Doanh nghiệp phải treo bảng hiệu trụ sở công ty: Bảng hiệu này phải bao gồm đầy đủ các thông tin như tên công ty, địa chỉ trụ sở chính, mã số thuế. Việc này để cho người quản lý thuế đến trụ sở kiểm tra tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và bảng hiểu đã treo đúng đủ chưa.
    • Doanh nghiệp phải mua chữ ký số (token): Chữ ký số của doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện nhằm sử dụng khi nộp tờ khai lệ phí môn bài, các báo cáo thuế trên mạng trực tuyến của Tổng cục thuế, dùng để khai thông tin, xác thực điện tử trên các phần mềm của doanh nghiệp như BHXH, hải quan, hóa đơn điện tử.
    • Doanh nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng của công ty và nộp tiền vào tài khoản: Đây là tài khoản mang tên doanh nghiệp và dùng để nộp các lệ phí môn bài vào Kho bạc nhà nước mà không cần đến trực tiếp làm việc.

Những việc trên đây là những việc vô cùng cần thiết mà doanh nghiệp phải thực hiện trước khi làm những thủ tục liên quan đến thuế nhanh chóng và không mất nhiều thời gian.